Vì sao tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động ở Đồng Tháp tăng?

Phone

Hotline 0367 327 694 - 0962 549 168

Email

Email tichcm68@gmail.com

Vì sao tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động ở Đồng Tháp tăng?
410 Lượt xem

    Vì sao tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động ở Đồng Tháp tăng?

    QĐND - Chỉ sau 5 năm tái khởi động, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem như “cánh đồng công nghiệp” của Đồng Tháp. Ở đó không chỉ giải quyết cho hàng nghìn lao động vươn lên thoát nghèo, mỗi năm mang về cho tỉnh hàng trăm tỷ đồng, mà còn tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để gieo cấy “mùa vàng” tại quê hương trong tương lai không xa.

    Đổi đời nhờ xuất khẩu lao động

    Đã thành thông lệ, cứ đều đặn các thành viên trong Câu lạc bộ "Những người có con em đi xuất khẩu lao động" của xã Thông Bình, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) có mặt đông đủ tham gia sinh hoạt. Nội dung các buổi sinh hoạt không chỉ thông báo về kết quả lao động, số tiền tiết kiệm được của từng người, mà từng thành viên câu lạc bộ còn trao đổi thông tin, thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động xuất khẩu. Tham gia buổi sinh hoạt của câu lạc bộ, chúng tôi còn được biết, không chỉ giúp hộ nghèo vươn lên, XKLĐ còn giúp nhiều kỹ sư, cử nhân có được việc làm ổn định với mức thu nhập cao. Điển hình như trường hợp của anh Lê Nhựt Trường, ở xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, sau khi tốt nghiệp ngành cơ điện ở Trường Đại học Cần Thơ nhưng không tìm được việc làm. Đầu năm 2014, anh Trường tham gia XKLĐ tại Nhật Bản và làm trong công ty chuyên về cơ khí (sản xuất líp xe đạp). Qua 3 năm làm việc ở Nhật Bản, trừ hết các khoản chi phí, anh còn dư được gần 1 tỷ đồng. Anh Trường chia sẻ: “Lúc ở Nhật Bản, ngoài thời gian lao động trong công ty, tôi còn tranh thủ học thêm tiếng Nhật để chuẩn bị hành trang sau này. Tháng 2-2017, khi hết hạn hợp đồng lao động, trở về quê, tôi được Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp nhận vào dạy tiếng Nhật cho những người có nhu cầu đi lao động nước ngoài. Giờ đây, ngoài số tiền tích lũy trong quá trình làm việc tại Nhật Bản, tôi còn có thêm việc làm với mức lương tương đối ổn định”.

     

    Bộ đội xuất ngũ tham gia lớp đào tạo nghề trước khi XKLĐ.

    Điểm sáng trong XKLĐ ở Đồng Tháp còn phải kể đến là việc đưa bộ đội xuất ngũ đi lao động ở nước ngoài. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 500 lao động là bộ đội xuất ngũ làm việc tại các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp: Tổ chức cho bộ đội xuất ngũ đi lao động nước ngoài là hướng đi mới của Đồng Tháp và hiện đã cho thấy kết quả đáng mừng. Những lao động này được doanh nghiệp đánh giá rất cao và ưu tiên lựa chọn. Bởi sau một thời gian rèn luyện trong quân đội, phần lớn thanh niên đều xây dựng cho mình tính kỷ luật, tác phong nhanh nhẹn, sự gọn gàng ngăn nắp, đoàn kết, hòa đồng và sức khỏe tốt… Đây là những yếu tố mà doanh nghiệp nước ngoài rất cần ở người lao động.

    “Năm nay, được sự đồng ý của Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp, trung tâm đến tư vấn, hướng nghiệp cho quân nhân sắp xuất ngũ đi học nghề, miễn phí 100% học phí và bảo đảm việc làm sau tốt nghiệp từ 95% trở lên. Riêng ngành cơ khí, xây dựng, trung tâm bảo đảm việc làm cho 100% người học”, bà Tuyết cho biết thêm.

    Nhiều cách làm hay

    Để tăng tính hiệu quả trong tổ chức cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài, Đồng Tháp không chỉ đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ, hội, nhóm “Những người có con em đi xuất khẩu lao động”, mà còn chủ động đổi mới việc lựa chọn thị trường và doanh nghiệp XKLĐ theo hướng chọn doanh nghiệp có năng lực, có trách nhiệm và thị trường có điều kiện làm việc hiện đại, thu nhập ổn định ở mức cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... để hợp tác. Nhờ đó phong trào XKLĐ ở tỉnh ngày càng lan rộng; tỷ lệ người tham gia XKLĐ ngày càng tăng, đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu của các doanh nghiệp.

    Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, 100% lao động khi đi làm việc ở nước ngoài đều được tỉnh đào tạo khá toàn diện từ học nghề, học ngoại ngữ đến việc tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân bản địa… “Do chuẩn bị khá kỹ nên chất lượng nguồn nhân lực của Đồng Tháp đáp ứng yêu cầu của nhiều doanh nghiệp… Theo đó, tỷ lệ người lao động ở Đồng Tháp được các doanh nghiệp tuyển dụng rất cao và luôn giữ được sự tin tưởng", bà Minh Tuyết cho biết.

    Cùng với giải pháp tuyên truyền, tổ chức đào tạo, hiện Đồng Tháp là một trong những địa phương đi đầu và thực hiện thành công chính sách vay vốn theo hình thức tín chấp đối với lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương, thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Đồng Tháp đã hỗ trợ vay tín chấp từ 90% đến 100% chi phí đi XKLĐ. Ngoài ra, trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh cũng hỗ trợ người lao động học nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, lệ phí visa...

    Không chỉ hỗ trợ bước đầu, Đồng Tháp còn chủ động xây dựng cả phương án phát huy lợi thế “hậu XKLĐ”. Theo đó, Đồng Tháp đã liên kết mở thêm kênh du học, nhằm tạo cơ hội cho người lao động đủ điều kiện đi tu nghiệp chương trình đại học để có việc làm gắn với chức danh nghề nghiệp, tạo ra sự ổn định lâu dài; giới thiệu việc làm, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sau khi hết hạn lao động trở về địa phương.

    Đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết: "Việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhất là các nước phát triển là chủ trương lớn được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đồng Tháp hết sức quan tâm. Vì vậy, Đồng Tháp sẽ đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là bộ đội xuất ngũ đi XKLĐ. Bởi qua đó, người lao động vừa có việc làm, thu nhập ổn định, vừa học hỏi được tác phong lao động từ các nước tiên tiến. Đây là tài sản để mỗi người tự đi được trên hành trình lập nghiệp của mình. Theo đó, Đồng Tháp xem việc lao động đi làm việc ở nước ngoài là cách đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai góp phần tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương”.

    THÚY AN

    Zalo
    Hotline

    Tư Vấn